Theo truyện cổ tích, Hoàng Tử Bạch Mã là chàng trai đến giải cứu thiếu nữ thoát khỏi cái ác; chàng trai mang dáng dấp anh tuấn, lãng mạn và có lòng dũng cảm, lương thiện. Và cây Bạch Mã Hoàng Tử với vẻ ngoài sang trọng quý tộc; được ví như chàng hoàng tử bước ra từ những câu truyện cổ tích.
Tên khoa học: Aglaonema Pseudobracteatum.
Họ thực vật: Họ Ráy (Araceae)
Nguồn gốc: Từ vùng Châu Á Nhiệt Đới.
1 Đặc điểm cây Bạch Mã Hoàng Tử:
* Thân: Là cây thân thảo, mọc thẳng đứng có màu trắng đậm như sữa; cây cao khoảng 40-80cm, tán rộng áng chừng 35cm.
* Lá: Lá lớn, có hình bầu dục, thuôn nhọn về đầu; lá có màu xanh lơ, đường sống và gân lá có màu trắng sữa nổi bật. Lá chính là nét đẹp nổi bật nhất của cây.
* Hoa: Thường cây này được làm cây cảnh nội thất nên chúng ta hiếm khi thấy được hoa của chúng. Khi cây được chăm sóc trong điều kiện tự nhiên phù hợp thì cây mới cho hoa. Hoa của cây Bạch Mã Hoàng Tử khi nở chụm lại với nhau, có hình trụ dài màu trắng lẫn vàng; bên ngoài hoa đươc bao bọc bởi phấn áo hoa trắng.
2 Công dụng và ý nghĩa của cây Bạch Mã Hoàng Tử:
* Công dụng:
– Cây mang vẻ đẹp uy phong, lịch lãm và quý tộc, thích hợp trưng bày nơi bàn làm việc, phòng họp, bàn sảnh lễ tân… làm tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian sống và làm việc của bạn.
– Cây được biết đến là loại cây có thể giúp loại bỏ khí độc, đem lại không khí dễ chịu, mát mẻ, nâng dây cót tinh thần người ngắm, giúp tăng hiệu suất làm việc nơi công sở và không khí hòa thuận ở gia đình.
– Với vẻ đẹp và tác dụng tích cực đến tinh thần, cùng với hàm ý phong thủy tốt đẹp, cây xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa trong các dịp đến thăm nhà bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên hoặc khai trương, tân gia.
* Ý nghĩa phong thủy:
– Theo phong thủy, khi đặt cây Bạch Mã Hoàng Tử trong nhà, nơi làm việc sẽ thu hút tài lộc, may mắn, phú quý cho gia chủ; xua đuổi những điều xấu xa khỏi gia chủ.
– Cây sở hữu vẻ đẹp khỏe khoắn nhưng lại thanh tao, sự hài hòa này còn giúp thúc đẩy năng lượng của gia chủ được phát huy một cách mạnh mẽ nhất, để có những sự vượt trội trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp.
3 Cách trồng, chăm sóc cây Bạch Mã Hoàng Tử:
* Lựa chọn cây: Khi mua cây ở cửa hàng bạn cần lựa chọn cây khỏe đẹp, lá tươi tắn, không bị gãy hay rách lá, thân trắng khỏe và rễ tươi.
* Lựa chọn chậu: Chậu cần phù hợp với kích thước của tán cây; rễ có không gian phát triển và hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
* Đất trồng: Loại đất phù hợp với cây là đất dinh dưỡng, thoáng xốp; bạn nên trộn đất thịt cùng với xơ dừa hoặc trấu hun, thêm phân hưu cơ bón lót cho cây.
* Nước tưới: Sau khi đã trồng cây vào chậu đất chuẩn bị sẵn thì tưới ẩm cho đất. Lưu ý đây là loại cây không chịu được úng cho nên cần quan sát đất trong chậu, nhận thấy đất khô mới tưới cho lần kế tiếp; thông thường cây trong nhà thì cần tưới 2-3 lần/tuần, cây ở sân vườn thì 1 lần/2 ngày với lượng nước đủ tạo ẩm cho đất.
* Ánh sáng: Là loại cây ưa ánh sáng nhẹ. Khi mới trồng, cây cần được đem vào trong mát, nơi có bóng râm hoặc dùng màn che để chắn ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây là từ 18-24 độ C.
* Phân bón: Tất cả các loại cây đều cần được cung cấp dinh dưỡng từ phân bón thì Bạch Mã Hoàng Tử cũng không ngoại lệ. Có thể thay đất cho cây định kì 6 tháng 1 lần để rễ không bị bí; và mỗi tháng bón thêm NPK để giúp lá xanh mướt, kích chồi nảy nở thêm.
* Sâu bệnh: Cần thường xuyên quan sát để xử lý kịp thời khi cây mắc sâu bệnh; tỉa bỏ những lá vàng hư.
Phúc Lộc –
Cây bạch mã rất đẹp.